21 Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến Trúc Sư hành nghề

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến Trúc Sư

Ngày 12/01/2021 vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã ban hành “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề”, gồm 21 quy tắc. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến Trúc Sư hành nghề là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực và văn hoá hành nghề kiến trúc; thực hiện việc xem xét xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.

 

637615037066239833

 

I. QUY TẮC CHUNG

 

Quy tắc 1: Sứ mệnh của nghề kiến trúc

 

Nghề kiến trúc có sứ mệnh tạo lập môi trường hoạt động của con người, tạo dựng nền kiến trúc Việt Nam nhân văn, hiện đại đậm đà bản sắc, góp phần xây dựng nước Việt Nam phát triển bền vững vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Quy tắc 2: Đạo đức hành nghề kiến trúc

 

KTS hành nghề bằng tính chuyên nghiệp, liêm chính, sáng tạo, khách quan và tận tâm, cùng với ý thức tôn trọng Thầy, người đi trước và đồng nghiệp; có nghĩa vụ bảo vệ thanh danh nghề kiến trúc. Đạo đức hành nghề là cơ sở chuẩn mực cho mọi ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề.

 

Quy tắc 3: Tuân thủ pháp luật

 

Tuân thủ Hiến pháp, Luật và các Văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề.

 

Quy tắc 4: Bảo vệ di sản và môi trường

 

Trân trọng và bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên bằng các giải pháp chuyên môn, góp phần bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái, giảm thiểu tác động tới môi trường và biến đổi khí hậu.

 

Quy tắc 5: Trách nhiệm với cộng đồng

 

Luôn ý thức nâng cao nhận thức của cộng đồng về kiến trúc; xây dựng nền kiến trúc nhân văn vì cộng đồng, đặc biệt quan tâm tới nhóm dễ bị tổn thương; không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, khuyết tật, địa vị xã hội.

 

Quy tắc 6: Bảo đảm quyền bình đẳng giới

 

Bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ và hỗ trợ giới theo quy định của pháp luật.

 

II. ĐỐI VỚI BẢN THÂN

 

Quy tắc 7: Trách nhiệm hành nghề

 

Trong hành nghề phải trung thực, khoa học, sáng tạo, có tinh thần hợp tác và hoàn thành tốt công việc do mình đảm nhận, nhằm cung cấp các dịch vụ kiến trúc có chất lượng cao nhất.

 

Quy tắc 8: Học tập để phát triển nghề nghiệp liên tục

 

Thường xuyên học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế để không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng hành nghề.

 

Quy tắc 9: Trách nhiệm với tổ chức nơi mình hành nghề

 

Tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng và các quy định của tổ chức; Hoàn thành tốt công việc được phân công; Bảo mật thông tin, dữ liệu của tổ chức và bảo vệ thanh danh của tổ chức; Không hành động mâu thuẫn với lợi ích của tổ chức nơi mình hành nghề như mạo danh tổ chức, tranh giành hợp đồng lôi kéo khách hàng cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

 

Quy tắc 10: Đảm bảo hành nghề hợp pháp

 

Không lợi dụng chức danh và chữ ký của mình để trực tiếp hay gián tiếp hậu thuẫn cho các hoạt động hành nghề kiến trúc bất hợp pháp của những người hay tổ chức không đủ điều kiện hành nghề theo quy định pháp luật.

 

III. ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG

 

Quy tắc 11: Thực hiện hợp đồng

 

Khi thực hiện hợp đồng với khách hàng phải đảm bảo đủ điều kiện năng lực, nhân lực và tài chính phù hợp, có trách nhiệm thực thi cẩn trọng, tận tâm và khách quan đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng với khách hàng.

 

Quy tắc 12: Ứng xử với khách hàng

 

Lịch sự, tôn trọng trong giao tiếp, chuyên nghiệp trong trao đổi chuyên môn và cam kết trong thực hiện hợp đồng; tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng và những người khác; khi khách hàng khiếu nại cần cầu thị nghiên cứu, tiếp thu và thuyết phục khách hàng trên cơ sở kiến thức nghề nghiệp và pháp luật trước khi đưa ra xử lý ở các bước tiếp theo.

 

Quy tắc 13: Quyền từ chối

 

Có quyền từ chối và có trách nhiệm từ chối những yêu cầu của khách hàng không phù hợp với Quy định pháp luật, Quy định chuyên môn, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp và Truyền thống văn hóa, hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.

 

IV. ĐỐI VỚI ĐỒNG NGHIỆP

 

Quy tắc 14: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp

 

Tôn trọng danh dự, uy tín và sáng tác của đồng nghiệp; hợp tác làm việc và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp cùng nghề và các kỹ sư, KTS thuộc các chuyên môn khác.

 

Quy tắc 15: Trách nhiệm với nhân viên dưới quyền và cộng sự

 

Tạo điều kiện và khuyến khích nhân viên nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn; cung cấp cho nhân viên điều kiện làm việc hợp lý, an toàn và trả lương công bằng khi sử dụng lao động; ghi nhận xứng đáng các đóng góp của nhân viên và cộng sự.

 

Quy tắc 16: Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả

 

Không sao chép, sử dụng phát minh, ý tưởng, phác thảo của người khác khi chưa có sự đồng ý của tác giả; không tham gia chào giá, nộp đề xuất hoặc đấu thầu để thực hiện các bước thiết kế tiếp theo của Dự án có thi tuyển phương án kiến trúc khi tác giả của phương án trúng tuyển có đủ điều kiện năng lực theo quy định và nhận lời thực hiện các dịch vụ này; được liên danh liên kết với tác giả của phương án trúng tuyển để cùng thực hiện các bước thiết kế tiếp theo khi được yêu cầu.

 

Quy tắc 17: Cạnh tranh trong hành nghề

 

Thực hiện cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật và đúng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp; không dùng các thủ đoạn như hạ phá giá, cố tình hạ thấp uy tín người khác, v.v… để tranh giành khách hàng với đồng nghiệp; nếu biết một công việc trước đó khách hàng đã có hợp đồng với đồng nghiệp khác nhưng nay lựa chọn mình thay thế, KTS và tổ chức hành nghề chỉ nhận thực hiện công việc này khi khách hàng đã cung cấp tài liệu chấm dứt hợp đồng công việc với đồng nghiệp đó.

 

V. THỰC HIỆN

 

Quy tắc 18: Đối tượng áp dụng

 

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp áp dụng đối với cácKTS hành nghề và các tổ chức hành nghề kiến trúc tại Việt Nam

 

Quy tắc 19: Trách nhiệm thực hiện

 

KTS hành nghề và tổ chức hành nghề kiến trúc tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Quy tắc này.

 

Hội KTS Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện, theo dõi và tiếp nhận thông tin về việc chấp hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của cá nhân và tổ chức hành nghề kiến trúc.

 

Các Chi hội trực thuộc, các Hội kiến trúc sư thành viên, các hội viên Hội KTS Việt Nam, các cá nhân và tổ chức hành nghề kiến trúc có trách nhiệm thông tin phản ánh các vi phạm kèm theo chứng cứ tới Hội KTS Việt Nam và các cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

 

Quy tắc 20: Xử lý vi phạm

 

Thông tin phản ánh các vi phạm tới Hội KTS Việt Nam sẽ được Hội xem xét, nếu đủ điều kiện để thụ lý Hội sẽ yêu cầu người bị phát hiện vi phạm giải trình. Sau 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu người bị phát hiện vi phạm không có hoặc không đủ bằng chứng giải trình thì Hội KTS Việt Nam sẽ thông báo tới các cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề xem xét xử lý theo quy định.

 

Quy tắc 21: Hiệu lực thi hành

 

Quy tắc này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 01 năm 2021.

 

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề được định kỳ 05 năm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.

 

Chi tiết Quyết định về việc ban hành “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề” của Hội KTS Việt Nam:

 

637615037074169777

 

637615037081455761

 

637615037099462212

 

637615037107587180

 

637615037116982126

 

Cùng ngày, Hội KTS Việt Nam đã ban hành Quy định chi tiết Bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư hành nghề. Chi tiết:

 

637615037125116833

 

637615037131991505

 

637615037136240045

 

637615037144403954

 

637615037153515012

 

637615037181747592

 

637615037208837015

 

637615037221708570

 

637615037228104894

 

637615037232792247

 

637615037262675374

 

637615037268358530

 

Theo Tạp chí kiến trúc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *